Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

Những bài báo nói về cây Paulownia!

Cây PAULOWNIA bám rễ trên đất Lâm Đồng
(19/08/07) (Theo bao dien tu Lam Dong)

Trong những năm gần đây, việc trồng cây lâm nghiệp để phủ xanh đất trống đồi trọc ở Lâm Đồng được triển khai mạnh với nhiều loài cây như keo, tràm, thông… Trong đó, có một loài cây còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, là cây PAULOWNIA, một loài cây gỗ có giá trị cao. Qua thời gian, cây PAULOWNIA đã bám rễ và phát triển tốt trên cao nguyên, mở thêm một hướng cho công nghiệp trồng rừng ở Lâm Đồng.
Bắt đầu bằng lời than phiền của một số người dân cư trú tại xã Tà Nung, Đà Lạt về việc “cây hông trồng đã lâu mà chưa có nơi nào tới tìm mua”, chúng tôi vào tìm hiểu tình hình thực tế về loài cây này. Xen lẫn trong nhiều vườn cà phê tại xã Tà Nung là một loài cây lạ, thân cao, thẳng, lá rộng bằng 2 bàn tay xoè. Hỏi thăm, người dân cho biết đó là cây PAULOWNIA, thường gọi là cây hông, cây pháo đồng, một loài cây có nguồn gốc nước ngoài. Tuy mới trồng được 5 năm nhưng có cây cao gần 8 m, đường kính thân 25-30 cm. Chị Đường Dẫu Hà, thôn 2 Tà Nung cho biết: “ Cách đây 5 năm có người mang cây giống cho bà con trồng miễn phí, cây lên nhanh lắm, chẳng sâu bệnh gì cả. Cây này trồng không cần chăm sóc, lá của cây trâu bò, dê có thể ăn được, trồng trong vườn cà phê để chắn gió”. Cũng giống như gia đình chị Hà là hàng chục gia đình khác, mỗi nhà nhận trung bình 40 cây PAULOWNIA trồng xen trong vườn cà phê, tới hôm nay đã phát triển rất lớn. Cùng đồng ý với ý kiến chung của nhiều người dân là ông Nguyễn Thái Hiệp - Phó Chủ tịch xã Tà Nung: “ Khi trồng nghe nói cây này có giá trị, gỗ để làm đồ mỹ nghệ xuất khẩu nhưng đến nay, người dân chưa thấy ai tới đặt vấn đề mua nên cũng có ý kiến với hội đồng nhân dân về hướng giải quyết”.
Chúng tôi tìm hiểu thực tế về loài cây “lạ” này và xác định được đây là một loài cây lâm nghiệp có giá trị. Gỗ hông nhẹ, bền, không cong vênh, ít bị biến dạng bởi thời tiết, cháy ở nhiệt độ 400 độC nên thích hợp làm vật liệu để làm tàu thủy, máy bay, đồ mỹ nghệ cao cấp. Lá hông có độ đạm cao nên có thể sử dụng làm thức ăn thô cho đại gia súc, đồng thời còn là một loài cây có tính lọc âm, lọc bụi rất tốt cho môi trường. Cây hông có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm rất nhiều chi khác nhau trong đó cây hông trồng tại Lâm Đồng là cây hông hoa trắng, chi PAULOWNIA FORTUNEI. Một điều đặc biệt là khi còn non, thân hông rỗng, cây càng phát triển thì ruột cây càng đầy lên, khi nào trong ruột đầy hoàn toàn là có thể khai thác. Gỗ hông được sử dụng chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan với giá trung bình từ 400-500 USD/m3. Ở Việt Nam, cây hông được trồng khá nhiều ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Kon Tum cũng có nhiều trang trại trồng hông với hàng ngàn cây 3-4 năm tuổi. Một loài cây có giá trị như vậy, tại sao lại mọc ở Tà Nung, ai là người mang giống tới và tương lai của nó sẽ ra sao?
Tìm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, chúng tôi mới phát hiện ra người đã phát giống cây hông miễn phí cho nông dân Tà Nung là một người không xa lạ, đó là chị Nguyễn Thuý Đại - Trưởng ban quản lý Vườn hoa Đà Lạt, lúc đó còn là Phó phòng nông nghiệp TP Đà Lạt. Chính chị Đại là người đã tìm giống, ươm cây con và đem cây con phát miễn phí cho bà con Tà Nung trồng xen trong vườn cà phê. Chị Đại kể lại: “Tôi thấy cây hông có giá rị rất cao nên muốn xem nó có sống được ở Tà Nung không. Bởi vậy tôi chọn chi hông hoa trắng, nhân giống và phát cho bà con trồng thử, không ngờ cây phát triển khá tốt, chứng tỏ phù hợp với thổ nhưỡng Lâm Đồng. Hiện nay tôi đang lo đầu ra cho bà con mà thôi”. Bản thân gia đình chị Đại cũng có 3 sào đất chuyên trồng hông trên địa bàn Tà Nung và những cây hông của chị phát triển cũng khá tốt dù ít được chăm sóc. Không riêng nông dân Tà Nung trồng hông, một trang trại hông lớn cũng đang phát triển mạnh ở huyện Lâm Hà, đó là khu vực nông trường Phước An, xã Hoài Đức với người chủ là ông Thắng. Cây hông ở Lâm Hà phát triển tốt hơn cây hông tại Tà Nung, thân cao hơn, sinh khối lớn hơn. Ngoài 2.000 cây đã 5 năm tuổi đang chuẩn bị cho thu hoạch, ông Thắng mới xuống giống thêm 3.000 cây nữa, cũng lấy giống từ chị Nguyễn Thúy Đại.
Chị Đại cũng khẳng định rằng, đầu ra cho cây hông là có, tuy nhiên một vài công ty chị tiếp xúc mới trả giá 150 USD/m3, theo chị giá như vậy là chưa xứng đáng với giá trị của cây hông. Bởi vậy chị Đại đề nghị bà con bình tĩnh, trồng cây cho đến hết thời gian sinh trưởng, tới thời điểm khai thác chắc chắn sẽ có đầu ra. Quả thật, nếu bán với giá 150 USD/m3, người trồng hông đã có lợi bởi không tốn công chăm, cây lại có lợi chắn gió cho cà phê đồng thời có lá cho gia súc ăn. Cây hông là một loại cây lâm nghiệp đáng chú ý để phát triển trên đất Lâm Đồng.



Loài cây lâm nghiệp có năng suất sinh khối cao
(Theo sở Nông Nghiệp Thanh Hoá)

Nếu những ai mới nhìn cây hông (Paulownia) khi cây còn non tuổi và biết được tốc độ sinh trưởng của nó thường cho rằng gỗ cây hông giống như cây đa, không có giá trị kinh tế. Nhưng kỳ thực cây Hông có nhiều ưu điểm mà các cây khác không dễ gì sánh được...
Cây hông (Paulownia) là cây gỗ lớn, có tốc độ sinh trưởng nhanh. Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới có điều kiện tự nhiên thích hợp với cây hông đã chọn cây hông làm cây lâm nghiệp và chú ý phát triển. Ở Việt Nam cây hông phân bổ trong rừng tự nhiên ở một số tỉnh phía Bắc giáp với biên giới Trung Quốc, Đồng bào các tỉnh này đã từng dùng gỗ cây này làm chõ hông xôi nên có tên là cây Hông.Tuy nhiên, trước đây cây hông ít được ngành lâm nghiệp và bà con chú ý đến. Những năm gần đây khi có những công trình nghiên cứu cây hông của các nhà khoa học thì cây hông mới bắt đầu được quan tâm và trồng thử nghiệm ở một số địa phương.
Theo TS Thái Xuân Du (Viện Sinh thái nhiệt đới), người có nhiều năm nghiên cứu cây hông cho rằng, cây hông là “vua” của loài cây lâm nghiệp. Theo ông Du thì, cây hông có nhiều ưu điểm: dễ trồng, thích nghi ở nhiều loại đất, lớn rất nhanh (sau 6-7 năm trồng, cây cao hơn 10m, đường kính 35-40cm), gỗ nhẹ, không bị mối mọt, ít bị biến dạng khi thời tiết thay đổi...
Còn theo tài liệu của Trung Quốc, cây Hông được mệnh danh là "nhà vô địch về mọc nhanh", kết quả được công bố: Cây 5 tuổi có đường kính bình quân 19,9 cm, cao 7-8m, thể tích cây đứng 0,117 m3/cây; cây 8 tuổi D1,3=29,5 cm, H=10,35m, 11 tuổi D1,3=38,38 cm, H=12,46 m, Đường kính có thể đạt 90-100cm trong vòng 30 năm và 200 cm trong vòng 80 năm. Cây Hông sống lâu năm, cho sinh khối lớn: Cây 31 năm tuổi D1,3=100,5 cm, H=21,7 m, 75 tuổi D1,3=134,4 cm, H=44 m, cây 80 năm tuổi ở Quý Châu- Trung Quốc, đường kính 202 cm, chiều cao 49,5m, thể tích 34m3/cây.
Gỗ Hông: Có tỷ trọng nhẹ (0,26-0,27g/cm3), độ cứng tương đương gỗ nhóm 5. Không bị mối mọt và ít bị mục (tại Hồ Bắc- Trung Quốc khai quật cỗ quan tài sau 200 năm gỗ vẫn còn tốt. Trung Quốc có những ngôi nhà làm bằng gỗ này đã tồn tại hàng trăm năm). Gỗ có tỷ lệ co rút nhỏ dưới 0,45%, ít bị biến dạng và không bị cong vênh nứt nẻ, cách điện và cách nhiệt tốt. Hàm lượng xenlulô trong gỗ trung bình 48-51%.
Chính vì những ưu điểm đó, gỗ Hông được dùng trong nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống như làm đồ gia dụng, ván dán, ván sợi ép, trần nhà, trang trí nội thất, thùng đựng hàng, bao bì và các vật dụng khác. Gỗ Hông còn được dùng làm nhạc cụ, đóng tàu lượn, lót vỏ máy bay, toa xe, du thuyền, ván lướt và sản xuất bột giấy cao cấp (giấy in tiền).
Ngoài gỗ, lá cây có hàm lượng đạm cao và các nguyên tố vi lượng khác, được dùng làm thức ăn cho gia súc, cành rơi lá rụng có tác dụng cải tạo và nâng cao độ phì đất. Cây Hông mọc nhanh nên chóng phát huy tác dụng phòng hộ, lá to có nhiều lông hữu ích trong việc làm sạch bụi và khói giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hoa để nuôi ong và làm thuốc chữa bệnh, vỏ cây chế thuốc nhuộm. Than đốt từ gỗ Hông dùng làm than hoạt tính, sử dụng bột pháo hoa, bột chì màu. Gỗ Hông còn có khả năng chống cháy, nhiệt độ cháy thông thường của gỗ từ 223 0C đến 257 0C, điểm cháy của gỗ Hông ở nhiệt độ 425 0C. Đặc điểm này đáng chú ý, có thể trồng cây Hông để làm đường băng xanh cản lửa phòng chống cháy rừng. Giá thương phẩm của gỗ tùy theo quy cách, phẩm chất và tuổi của cây gỗ. Theo báo Nông nghiệp số 201 ra ngày 26-10-2002, gỗ khai thác ở tuổi 6 có giá khoảng 120-150 USD/m3 gỗ tròn, theo thông tin Kinh doanh và tiếp thị ra ngày 14-10-2002, giá gỗ Hông trên thị trường rất cao khoảng 700-1.000 USD/m3 gỗ.
Một số mô hình đã trồng công cây Hông được sự quan tâm chú ý như mô hình trồng xen canh cây hông với cà phê huyện Đăk Hà tỉnh Đăk Nông với diện tích khoảng 32 ha. Qua theo dõi, cây hông sinh trưởng tốt. Tại vườn cây hông của ông Nguyễn Văn Hạp (xã Đăk Mar huyện Đăk Hà) cây hông được trồng thuần trên đất bằng, diện tích 2ha với kích thước 5mx5m/cây- mật độ 400 cây/ha. Nhiều người đến đây tham quan ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Bình quân cây hông trong vườn này cao 7m, đường kính thân 0,27m, tỷ lệ cây sống 97%, khối lượng gỗ khoảng 133m3/ha. Vườn cây hông của ông Phạm Thanh Sơn (thôn 12, xã Đăk Hring) trồng năm 2002. Cây hông được ông Sơn trồng xen trong vườn cà phê trên đất dốc với kích thước 6mx3m/cây-mật độ 550 cây/ha. Đến nay bình quân cây cao 6m, đường kính 0,19m, tỷ lệ cây sống 95%, khối lượng khoảng 71m3 gỗ/ha.
Hay như mô hình trồng trồng thử nghiệm tại một số điểm thuộc huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ. Kết quả cho thấy cây Hông có tỷ lệ sống trên 90%, khả năng sinh trưởng rất nhanh. Rừng trồng 18 tháng tuổi trên đất hơi nghèo đến trung bình ở xã Địch Quả đạt đường kính trung bình trên 5cm, cao 4-5m. Trong đó, một số cây có đường kính trên 10cm, cao 7m. Cây trồng phân tán ở Ban quản lý vườn quốc gia Xuân Sơn (đất tốt) đường kính đạt 16-20cm, cao 7-8m. Gia đình ông Thắng trồng ở hè phố thị trấn Thanh Sơn, cây 18 tháng tuổi đạt đường kính 22cm. Bạch đàn mô, keo lai là cây trồng chủ lực và sinh trưởng nhanh nhất hiện nay nhưng chưa đạt tới 16-22cm/18 tháng tuổi như cây Hông nêu trên.
Có thể nói cây hông là cây lâm nghiệp có triển vọng (vừa có giá trị kinh tế cao vừa có chức năng phòng hộ nhanh). Có thể trồng phân tán, trồng thành rừng tập trung hoặc trồng xen theo phương thức nông lâm kết hợp. Tuy nhiên, phải chọn điều kiện lập địa phù hợp và tùy mục đích sử dụng rừng mà chọn phương thức trồng mới đem lại kết quả. Vấn đề đang quan tâm là việc tìm đầu ra cho cây hông phải được quan tâm đúng mức để người dân có thể yên tâm đưa vào sản xuất và làm giầu từ cây hông./.





Paulownia - Loài cây cứu rừng
( Theo Sài Gòn tiếp thị)

Paulownia là loài cây được mệnh danh là loài cây "chiến lược" của thế kỷ 21. Chúng được trông đợi như một loài cây giúp phục hồi nhanh chóng những cánh rừng đã bị tàn phá trên thế giới. Một loài cây dễ trồng, dễ sống, lớn nhanh, có giá trị về nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là cho được loại gỗ quý.
Nguồn gốc Paulownia có nguồn gốc Á châu, đã được biết đến trên 2.000 năm tại Trung Quốc. Chúng có 20 loài. Paulownia được nhập vào Nhật Bản, Triều Tiên cách đây 1.000 năm, vào châu Âu, Nam Mỹ, Úc vào thế kỷ 19. Loài cây này rất thích hợp cho việc tái trồng rừng và người ta đã trồng rất thành công tại New Zealand, Úc, Trung Quốc. Diện tích trồng cây paulownia của Trung Quốc đến nay đã lên hơn 5 triệu ha. Chương trình phục hồi rừng bằng cây paulownia của Trung Quốc được sự hỗ trợ của tổ chức Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP). Trung Quốc hiện nay đã xuất khẩu cây paulownia thành phẩm và cả cây giống.
Việt Nam cũng có một loài cây paulownia, loài paulownia fortune. Chúng phân bố tự nhiên ở các vùng có độ cao 300 - 1.000m của các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hoà Bình… Trong dân gian, loài cây này được gọi là cây pháo đồng, cây bao đồng, cây ngô đồng hay là cây hông. Theo một tài liệu, do đồng bào một số tỉnh miền núi phía Bắc sử dụng gỗ cây này để làm chõ hong xôi nên cây có cái tên được gọi trại ra là cây hông.
Hơn cả…bạch đàn Paulownia được mệnh danh là "nhà vô địch về mọc nhanh". Paulownia là loài cây gỗ lớn, mọc nhanh, tán lá rộng, nhiều cành, lá thưa, ưa sáng. Chúng không kén đất, chỉ cần đất xốp, dễ thoát nước, đặc biệt thích hợp vùng đồi không ngập nước. Trong điều kiện bình thường, mỗi năm cây có thể tăng trưởng 3 - 4cm đường kính, về thể tích tăng 0,04 - 0,05m 3 . Nghĩa là sau 10 năm, một cây bình thường có thể có đường kính 0,5m 3 . Đó là chưa kể trong điều kiện tối ưu, cây có khả năng tăng trưởng 8 - 9cm/năm và thể tích tăng 0,15 - 0,2m 3 /năm. Năm 2003, Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Thọ đã trồng thử nghiệm một số cây hông tại huyện Thanh Sơn. Một số cây trồng tại vườn quốc gia Xuân Sơn, chỉ sau 18 tháng, đường kính đã đạt 16 - 22cm, cao đến 7 - 8m. So với các loài được xem là tăng trưởng nhanh nhất hiện nay như bạch đàn, keo lai, cây hông có mức độ tăng trưởng vượt xa.
Tăng trưởng nhanh, thế nhưng paulownia không "đơn điệu" về giá trị và "thiếu thân thiện" với môi trường như bạch đàn. Chúng là loài "đa giá trị". Trước hết là gỗ. Paulownia trồng ba năm đã có thể khai thác gỗ làm các loại giấy cao cấp, như giấy in tiền. Paulownia trồng 9 năm cho gỗ quý hơn gỗ pơ mu, do gỗ cứng, nhẹ, không cong vênh, nứt nẻ khi nhiệt độ thay đổi, vân mịn đẹp, lại chịu nhiệt cao. Do chỉ cháy khi nhiệt độ trên 400 độ, nên người ta có thể trồng các loài paulownia thành những "đường băng xanh" chống cháy rừng. Lá của chúng do có nhiều lông nên có tác dụng lọc bụi, khói, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cả lá và hoa đều có hàm lượng đạm cao nên có khả năng được dùng làm thức ăn gia súc, tăng độ phì nhiêu cho đất. Chính những đặc tính này mà chúng còn được trồng xen với các loại hoa màu như cây chè, đậu, ngô… Hoa chứa nhiều mật, có thể phát triển nghề nuôi ong. Chính vì những đặc điểm trên mà gỗ cây paulownia được dùng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất đồ trang trí nội thất cao cấp, đồ gia dụng, du thuyền, nội thất máy bay… Giá một mét khối gỗ paulownia trên thị trường thế giới đang vào khoảng 600 - 800 USD. Một dự án phát triển rừng
Cây paulownia có 9 loại cho năng suất cao, nhưng chỉ một loại có thể sống được ở Việt Nam (Paulownia Fortunie). Giống cây này được Liên hiệp quốc hỗ trợ nghiên cứu trồng thành công giống đặc chủng tại Úc. Hiện nay, Việt Nam có những điều kiện rất tốt để phát triển các loài cây có giá trị này. Đất đai, khí hậu phù hợp, hơn nữa, những dự án trồng rừng thường rất dễ kêu gọi được sự tài trợ của các tổ chức trên thế giới. Tiến sĩ Thái Quang Trung, điều phối viên khu vực Đông Nam Á của tổ chức Hanns Seidel Foundation, Cộng hoà liên bang Đức, đang có một dự án đưa cây paulownia thành một loại cây ưu tiên trong việc tái trồng rừng tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là dốc toàn lực để biến Việt Nam thành "địa bàn" của loài cây này ở Đông Nam Á, với diện tích từ 5 - 10 triệu hecta trong vòng 5 - 10 năm nữa.
Mục tiêu trước mắt là việc nghiên cứu tạo ra giống cây thích hợp với thổ nhưỡng Việt Nam, có khả năng kháng sâu bệnh cao. Một trung tâm nghiên cứu ứng dụng được xây dựng để phục vụ việc trồng đại trà loài cây này. Nghiên cứu sâu tạo những giống cây có chất lượng gỗ tốt, những cây cho ra những thảo dược tốt, thích hợp với những cây trồng xen. Dự án chỉ phát triển trên địa bàn cả nước sau khi thử nghiệm trồng thành công. Phải có tư vấn nước ngoài trong giai đoạn thí điểm để có thể nhanh chóng tạo ra giống cây tốt nhất. Xây dựng đội ngũ chuyên viên có kiến thức sâu về cây paulownia để phục vụ cho việc trồng thử nghiệm và phát triển trên địa bàn cả nước. Khoán diện tích trồng và chỉ tiêu. Cần có những quy định rõ ràng về việc thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây cho từng hộ gia đình trên địa bàn trồng cây paulownia… Với paulownia, một tương lai màu xanh cho những cánh rừng Việt Nam…
Nguyễn Thuý